Mắc bệnh vì ăn uống không khoa học

Bỏ quên sức khỏe

Mới 24 tuổi, chị Đỗ Thanh Trang ngõ Thịnh Hào, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội đã bị gai cột sống. Sau khi điều trị khỏi bệnh gai cột sống, chị Trang đi làm xét nghiệm thì phát hiện mật độ xương bị giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống hằng ngày không đảm bảo lượng can xi cần thiết cho cơ thể. Chị Trang cho biết, chị thường ăn theo sở thích chứ không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý trong khẩu phần ăn.

Cũng giống chị Trang, chị Nguyễn Ngọc Mai, phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cũng mắc chứng loãng xương từ cách đây 5 năm. Chị Mai cho biết, hằng ngày đi chợ, chỉ lo cân đối tỷ lệ dinh dưỡng cho con; Còn thức ăn của vợ chồng, chị quan tâm đến việc đổi món cho dễ ăn chứ không phải là ăn đủ chất.

Chị nghĩ đơn giản, cân nặng của vợ chồng bình thường thì không việc gì phải quan tâm đến giá trị dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Chỉ đến khi thấy cơ thể mỏi mệt, thường xuyên đau lưng, thỉnh thoảng bị chuột rút, chị mới đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Đến khi khám, chị Mai mới biết rằng cơ thể bị thiếu vi chất, đặc biệt là can xi, kẽm.

Nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trong 2.400 người trên 20 tuổi sống tại Hà Nội, có tới 71% số phụ nữ ngoại thành và 65% số phụ nữ nội thành có lượng can xi trong khẩu phần ăn hằng ngày thấp hơn khuyến nghị (500 mg/ ngày).

Nghiên cứu này cũng cho thấy, lượng can xi, sắt, protein... trong khẩu phần ăn của nhóm những người loãng xương thấp hơn rất nhiều so với nhóm không loãng xương. Cụ thể, lượng can xi trong khẩu phần ăn của nhóm không bị loãng xương là 462,3mg, thì ở nhóm bị loãng xương chỉ đạt 377,8mg.  Lượng vitamin A trong khẩu phần ăn của nhóm bình thường là 739,3mcg, thì ở nhóm bị loãng xương chỉ đạt hơn một nửa là  496,8 mcg...

Ít người quan tâm đến biểu đồ dinh dưỡng

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn uống hằng ngày rất quan trọng nhưng rất ít người trưởng thành quan tâm đến biểu đồ  dinh dưỡng cần thiết cho mình. Ăn uống không đủ chất  khiến cơ thể mỏi mệt, lâu ngày có thể sinh bệnh như đau đầu chóng mặt do thiếu máu, loãng xương do thiếu can xi, bệnh tê buồn do thiếu vitamin D, mù lòa do thiếu vitamin A...

Theo TS Đỗ Khánh Hỷ, Viện phó Viện Lão khoa Việt Nam, bệnh loãng xương thường xuất hiện từ tuổi trung niên trở lên. Việc người trẻ mắc bệnh loãng xương cho thấy chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của họ không hợp lý.

Để phòng và chống loãng xương, phải để ý đa dạng hoá bữa ăn ngay từ khi còn trẻ. Không nhất thiết chỉ ăn những thức ăn giàu can xi như cua, trứng, sữa... mà phải đảm bảo đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Khi ăn các thực phẩm giàu can xi nên nấu nhừ để ăn cả xương. Có thể bổ sung thêm can xi bằng các loại cốm, sữa giàu can xi. Ngoài ra, cần tăng cường vận động như đi bộ, leo cầu thang, tập tạ... để tăng sự dẻo dai cho xương

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, chế độ ăn uống khoa học cho một người bình thường là đảm bảo đủ những nguồn dinh dưỡng như chất bột, đường (glucid), chất đạm (protein),  chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất.

Để có đủ các chất dinh dưỡng kể trên, tất cả các thành viên trong gia đình cần ăn kết hợp 8 nhóm thực phẩm từ 4 nguồn như: Nguồn cung cấp chất bột, đường  có trong nhóm lương thực: gạo, ngô, khoai, sắn... Nguồn cung cấp chất đạm có trong nhóm hạt các loại: đậu, đỗ, vừng, lạc...; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm thịt các loại, cá, tôm, cua, ốc, hến...; nhóm trứng các loại; Nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ như nhóm củ quả có màu vàng, màu da cam, màu đỏ như: cà rốt, bí ngô, gấc... hoặc rau màu xanh thẫm; nhóm rau quả khác. Nguồn cung cấp chất béo như nhóm dầu, mỡ.  

 

Tin tức khác